Trong bối cảnh thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về ô nhiễm môi trường, về vấn nạn từ rác thải nhựa… thì giấy đang được xem như một nguyên liệu thay thế ưu việt, nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong nền kinh tế tuần hoàn.
Số liệu cho thấy Việt Nam hiện xếp thứ 68 trên thế giới về diện tích, thứ 15 trên thế giới về dân số nhưng xếp thứ 4 về rác thải nhựa. Nền kinh tế tuần hoàn được xem là một giải pháp thay thế bền vững thông qua tính khôi phục và cải tạo.
Phù hợp “tự nhiên” với mô hình kinh tế tuần hoàn
Trong nền kinh tế tuần hoàn, khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu được thay bằng khái niệm khôi phục chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và tiến tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kĩ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.
Mô hình kinh tế tuần hoàn có khả năng giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên góp phần giải quyết các vấn đề về khăn hiếm và bảo tồn tài nguyên, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nên kinh tế.
Khái niệm kinh tế tuần hoàn tương đối mới với doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên theo Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluy lô, ngành Giấy có bản chất rất gần kinh tế tuần hoàn bởi việc quản lý và tái tạo tài nguyên của Ngành có thể thực hiện theo một vòng khép kín, ít tạo ra phế thải.
Hiện nay có 2 loại nguyên liệu chính được sử dụng trong sản xuất giấy là bột giấy và giấy thu hồi hay còn gọi là “giấy tái chế” (tên tiếng Anh là recycled paper, là giấy sau khi sử dụng được thu hồi, tái chế, chỉ có một số rất ít loại giấy không tái chế được, điển hình là giấy vệ sinh). Thông thường trong quy trình sản xuất giấy từ bột giấy nguyên chất, trải qua nhiều khâu, tiêu hao nhiều nguyên liệu. Ngược lại, tái chế giấy giúp tiết giảm được nhiều khâu, tiết kiệm nhiên liệu.
Cần nhiều “đòn bẩy” phát triển theo hướng tuần hoàn
Thực tế, nước ta xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị GDP, bao bì giấy đóng góp rất lớn trong lĩnh vực này, nhất là các ngành như dệt may, thủy sản, da giày, điện tử… Cùng với đó trong những năm gần đây, ngành Giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm.
Bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu và khu vực, ngành Công nghiệp Giấy Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng, hợp tác và phát triển cùng với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Với sự phát triển này, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết luôn định hướng xây dựng Ngành theo mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp, đặc biệt xem giấy thu hồi là nguồn nguyên liệu sản xuất.